Nhiệt độ bình thường của cơ thể là bao nhiêu?

Cơ thể của mỗi người đều có sự sản sinh nhiệt và thải nhiệt giúp duy trì nhiệt độ bình thường của cơ thể ở mức ổn định. Khi nhiệt độ cơ thể quá cao hoặc quá thấp đều có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tính mạng của con người. Vậy nhiệt độ cơ thể bình thường của cơ thể là bao nhiêu, làm thế nào để biết nhiệt độ cơ thể bình thường, hãy cùng chuyên gia Hưng Thịnh Clinic tham khảo ngay thông tin trong bài viết dưới đây. 

Nhiệt độ bình thường của cơ thể là bao nhiêu?

Nhiệt độ cơ thể của mỗi người là thước đo khả năng tạo và đào thải nhiệt của cơ thể. Dù nhiệt độ bên ngoài cơ thể dao động nhiều nhưng nhiệt độ bình thường của cơ thể sẽ luôn được đảm bảo ở ngưỡng an toàn nhờ các cơ chế của cơ thể. Khi nhiệt độ khu vực xung quanh quá nóng cơ thể sẽ tự động toát mồ hôi, các mạch máu sẽ dãn ra giúp lượng nhiệt dư thừa được thoát ra bên ngoài. Ngược lại khi quá lạnh các mạch máu sẽ được điều chỉnh co hẹp lại đồng thời cơ thể cũng sẽ có phản ứng run để giữ ấm, duy trì nhiệt độ ở mức bình thường. 

Hầu hết chúng ta đều biết nhiệt độ bình thường của cơ thể là 37 độ C nhưng nhiệt độ cơ thể bình thường của bạn có thể cao hơn hoặc thấp hơn một chút so với nhiệt độ tiêu chuẩn này. Nhiệt độ cơ thể được coi là bình thường nếu nằm trong phạm vi từ 36 đến 37,5 độ C. Tuy nhiên nhiệt độ cơ thể ở mỗi người cũng có sự khác biệt, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

Nhiệt độ bình thường của cơ thể là bao nhiêu?

- Vị trí đo nhiệt độ cơ thể: Hiện nay để đo nhiệt độ cơ thể bạn có thể đo ở các vị trí như miệng, nách hoặc trực tràng. Ở mỗi vị trí đo nhiệt độ cũng khác nhau:

  • Nhiệt độ cơ thể khi đo ở trực tràng sẽ dao động trong khoảng 36,3 - 37,1 độ C. Để đo chuẩn nhất bạn nên đo ở đúng độ sâu tiêu chuẩn. 

  • Nếu đo nhiệt độ cơ thể tại miệng thì ở vị trí này nhiệt độ cơ thể đo được sẽ thấp hơn khi đo ở trực tràng từ 0,2 đến 0,6 độ C.

  • Nhiệt độ cơ thể đo được ở vùng nách sẽ thấp hơn đo ở trực tràng từ 0,5 - 1 độ C. 

- Tuổi tác: Nhiệt độ cơ thể bình thường ở mỗi độ tuổi cũng có sự khác nhau. Thông thường người già sẽ có thân nhiệt thấp hơn so với những người trẻ tuổi, nguyên nhân được lý giải là do ít vận động và nhu cầu hấp thu, chuyển hóa của già thấp hơn. Thân nhiệt của trẻ nhỏ cao hơn so với người lớn, trong quá trình phát triển cơ thể cứ sau 10 năm cơ thể có sự giảm nhiệt độ dần theo tuổi tác. 

- Vận động: Nhiệt độ cơ thể cũng tăng cao hơn bình thường nếu bạn hoạt động. Thời điểm hoạt động mạnh nhiệt độ cơ thể đo được tại vị trí trực tràng có thể lên đến 38,5 - 40 độ C. Sau quá trình vận động, bạn nghỉ ngơi một thời gian thì cơ thể sẽ trở về nhiệt độ bình thường. 

- Thời gian đo: Thân nhiệt của cơ thể mỗi người có thể thay đổi vào từng thời điểm trong ngày. Nếu đo nhiệt độ vào sáng sớm nhiệt độ sẽ cao hơn bình thường, cao nhất vào buổi chiều và thấp nhất vào ban đêm. Ở các thời điểm đo khác nhau trong ngày nhiệt độ cơ thể có thể dao động trong khoảng 0,5 - 1 độ C. 

- Nội tiết tố: Nhiệt độ cơ thể ở nữ giới cũng có sự thay đổi tùy thuộc theo từng giai đoạn sinh lý, phụ thuộc vào hàm lượng nội tiết tố trong cơ thể. Khi mang thai đặc biệt vào những tháng cuối thai kỳ, thân nhiệt của các mẹ bầu có thể tăng thêm từ 0,5 đến 0,8 độ C so với bình thường. Ngoài ra sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn rụng trứng cũng có thể khiến chị em bị thay đổi nhiệt độ cơ thể. Cũng nhờ vậy mà nhiều chị em có thể quan sát nhiệt độ hàng ngày để xác định được ngày rụng trứng. Việc xác định khoảng thời gian rụng trứng sẽ giúp ích rất nhiều cho các cặp đôi trong phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn hoặc chọn ngày quan hệ để tăng tỷ lệ thụ thai. 

- Bệnh lý: Sự thay đổi nhiệt độ cơ thể bất thường có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp các vấn đề bệnh lý. Nhiệt độ cơ thể xuống thấp hơn so với bình thường có thể do bệnh tả, suy giáp hoặc cơ thể bị giá lạnh. Ngược lại khi nhiệt độ tăng cao, sốt sẽ là biểu hiện của việc bị nhiễm trùng, mắc các bệnh lý do virus gây ra, cường giáp hoặc u tuyến thượng thận,...

Các vấn đề rối loạn nhiệt độ cơ thể cần lưu ý

Hầu hết mọi sự thay đổi nhiệt độ cơ thể nằm ngoài phạm vi an toàn đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Do đó, sớm phát hiện rối loạn nhiệt độ cơ thể và thăm khám, điều chỉnh kịp thời là việc làm cần thiết. 

Các vấn đề rối loạn nhiệt độ cơ thể cần lưu ý

Hạ thân nhiệt

Thông thường việc hạ thân nhiệt có thể do thời tiết quá lạnh, giảm sau khi sử dụng rượu bia, ma túy hoặc do rối loạn tuyến giáp, bệnh tiểu đường. Hạ thân nhiệt cũng thường gặp hơn ở trẻ sơ sinh, người già hoặc những người có sức đề kháng kém. Một số trường hợp khi đột nhiên bị hạ nhiệt độ cơ thể không rõ nguyên nhân cũng có thể do nhiễm trùng huyết. Bạn cần lưu ý tình trạng hạ thân nhiệt khi cơ thể bị giảm nhiệt độ xuống thấp kèm theo những triệu chứng như run rẩy, khó thở, ớn lạnh,... 

Tăng thân nhiệt

Nhiệt độ cơ thể tăng cao đột ngột trong một khoảng thời gian ngắn có thể do say nắng hoặc sốt.

- Nhiệt độ cơ thể tăng do say nắng: Đây là tình trạng cơ thể không thể kiểm soát được nhiệt độ, nhiệt độ cơ thể tăng cao do làm việc hoặc tập thể dục gắng sức dưới nhiệt độ, thời tiết nóng. Khi bị say nắng nhiệt độ cơ thể tăng cao kèm theo đó là các biểu hiện đổ nhiều mồ hôi, mất nước, da đỏ, nóng và khô. Trường hợp nặng hơn người bệnh có tình trạng mê sảng, bất tỉnh. Say nắng có thể gây mất nước nghiêm trọng, các cơ quan quan trọng ngừng hoạt động nếu không can thiệp y tế kịp thời vẫn có khả năng gây tử vong. 

- Sốt: Sốt là tình trạng nhiệt độ cơ thể tăng cao trên 38 độ C ở cả trẻ nhỏ và người lớn. Thông thường cơ thể bị sốt khi bị nhiễm trùng một bộ phận hoặc toàn bộ cơ thể hoặc người bệnh gặp phải các chấn thương nặng, bị bỏng, đau tim hay đột quỵ,... Một số bệnh lý như viêm khớp, ung thư phổi, bệnh bạch cầu, cường giáp cũng khiến cơ thể bị sốt cao. Sốt được chia làm 4 mức độ. Khi nhiệt độ cơ thể đo được từ 37 đến 38 độ C sẽ được coi là sốt nhẹ. Từ 38 đến 39 độ được coi là mức sốt vừa. Nhiệt độ cơ thể đạt 39 - 40 độ C là biểu hiện của sốt cao và khi nhiệt độ cơ thể đo được vượt trên 40 độ C là mức sốt quá cao. Sốt cao có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, cần sớm tìm rõ nguyên nhân và có sự can thiệp điều chỉnh kịp thời.

Cách xác định nhiệt độ cơ thể bình thường 

Để theo dõi nhiệt độ cơ thể có bình thường hay không, bạn cần chuẩn bị dụng cụ đo nhiệt độ hay còn gọi là nhiệt kế và thực hiện đo đúng cách. Nội dung dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách đo nhiệt độ bình thường của cơ thể. 

Dụng cụ đo nhiệt độ

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại dụng cụ đo nhiệt độ khác nhau. Tùy theo điều kiện kinh tế, độ tuổi cũng như vị trí bạn muốn đo thân nhiệt mà sẽ chọn nhiệt kế phù hợp. 

Cách xác định nhiệt độ cơ thể bình thường 

  • Nhiệt kế thủy ngân: Đây là dạng nhiệt kế khá phổ biến hiện nay do khả năng tiện dụng và giá thành rẻ. Thông thường nhiệt kế thủy ngân được dùng để đo nhiệt độ tại nách và trung bình sẽ cần 3 đến 5 phút để đo nhiệt độ cơ thể chính xác.

  • Nhiệt kế điện tử cho kết quả nhanh chóng, chính xác trong khoảng thời gian 4s và giá thành khá đắt.

  • Nhiệt kế hóa chất được sử dụng 1 lần duy nhất, sản phẩm này thường dùng cho người bệnh đang cần cách ly.

  • Nhiệt kế hậu môn chỉ tốn 2 phút để cho ra kết quả chính xác nhưng không được sử dụng cho các trường hợp đang bị tổn thương vùng hậu môn, bị bệnh trĩ hay đang gặp các vấn đề tiêu chảy hay táo bón. 

  • Nhiệt kế miệng cho độ chính xác cao sau 3 phút thực hiện. 

Cách đo nhiệt độ

Cách đo nhiệt độ cơ thể ở mỗi vị trí sẽ khác nhau, cụ thể:

  • Cách đo nhiệt độ cơ thể ở miệng: Để đo nhiệt độ cơ thể ở miệng bạn sẽ đặt nhiệt kế dưới lưỡi, khép chặt môi, nhiệt kế sẽ chếch sang một bên của miệng. Sau khi đủ thời gian đo các nhiệt kế kỹ thuật số sẽ có thông báo bằng tiếng bíp ngắn. Bạn lấy nhiệt kế ra và đọc kết quả sau đó vệ sinh lại nhiệt kế. 

  • Cách đo nhiệt độ cơ thể ở nách: Đây là cách đo nhiệt độ khá phổ biến hiện nay, bạn chỉ cần đặt nhiệt kế ở giữa nách sau đó kẹp chặt cánh tay vào thân mình. Sau 3 đến 5 phút tùy từng loại nhiệt kế thì bạn lấy nhiệt kế ra và đọc kết quả.

  • Cách đo nhiệt kế ở trực tràng: Để đo nhiệt độ cơ thể ở trực tràng bạn nên nằm trên một đệm phẳng, yên tĩnh sau đó có thể dùng một chút Vaseline bôi lên đầu của nhiệt kế để thuận tiện cho việc đẩy vào phía trong. Đưa nhiệt kế vào sâu khoảng 1,25 - 2,5cm và giữ nhiệt kế tại chỗ trong một khoảng thời gian cần thiết. Sau đó bạn có thể lấy nhiệt kế ra đọc kết quả.

Trên đây là những thông tin chúng tôi muốn chia sẻ đến bạn đọc về nhiệt độ bình thường của cơ thể của trẻ sơ sinh và người lớn cũng như hướng dẫn cách đo nhiệt độ cơ thể chính xác, các rối loạn nhiệt độ cơ thể thường gặp. Hy vọng bài viết đã đem lại nhiều thông tin bổ ích cho bạn đọc. 

Từ khóa liên quan: nhiệt độ bình thường của cơ thể người lớn, nhiệt độ bình thường của cơ thể trẻ em,..

Nhiệt độ bình thường của cơ thể là bao nhiêu?
Đánh giá: 9.6 / 10 ( 32 lượt đánh giá )

Nếu thông tin hữu ích hãy Like hoặc Chia sẻ đến mọi người:

Cập nhật lần cuối: 10-02-2022